TS. Đặng Việt Dũng đề xuất với Thủ tướng nhiều giải pháp trong xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia
16:53 - 03/10/2024
Chiều 3/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia. TS. Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cùng một số chuyên gia, nhà khoa học đã đến tham dự và có bài phát biểu, đóng góp ý kiến, đề xuất các sáng kiến giải pháp tháo gỡ khó khăn cùng Chính phủ.
Cùng tham dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Các Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện gần 30 doanh nghiệp, nhà thầu tham gia xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia, các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các hiệp hội.
TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng đến tham dự và có bài phát biểu, đóng góp ý kiến, đề xuất các sáng kiến giải pháp tháo gỡ khó khăn cùng Chính phủ.
Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: VPG).
Nhiều dự án lớn được triển khai
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Nghị quyết Đại hội XIII tiếp tục xác định 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá chiến lược về hạ tầng, gồm hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng năng lượng, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng y tế, văn hóa, giáo dục…
Điểm lại một số thành tựu, kết quả trong phát triển hạ tầng chiến lược thời gian qua, Thủ tướng cho biết, về hàng không, công trình Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến cơ bản hoàn thành trong năm 2025, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất dự kiến hoàn thành dịp 30/4/2025, nhà ga T2 Nội Bài cũng dự kiến về đích đúng tiến độ.
Về đường cao tốc, đến nay đã hoàn thành hơn 2.000 km, đang thi công 1.700 km và sẽ khởi công thêm 1.400 km thời gian tới; Về đường sắt, Chính phủ đã trình cấp có thẩm quyền chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam và các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc; Các dự án cảng biển lớn tại Lạch Huyện (Hải Phòng), Liên Chiểu (Đà Nẵng), Quy Nhơn (Bình Định), Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) và cảng Cần Giờ (TPHCM) đang được thúc đẩy; Cùng với đó là các dự án hạ tầng điện, sóng, đặc biệt là dự án đường dây điện 500 kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối đã hoàn thành trong thời gian thần tốc chỉ hơn 6 tháng.
Thủ tướng nhấn mạnh, các dự án hạ tầng đã tạo không gian phát triển mới, giúp hình thành các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ mới, làm tăng giá trị của đất đai, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giảm chi phí lotistics, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm, của nền kinh tế.
Thủ tướng đánh giá thời gian qua, các doanh nghiệp xây dựng đã có nhiều đóng góp tích cực, quan trọng trong triển khai các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nhất là thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát tốt nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng có đóng góp tích cực trong khắc phục hậu quả COVID-19, hậu quả thiên tai, bão lũ…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia. (Ảnh: VGP).
Thủ tướng cho biết, Thường trực Chính phủ tổ chức cuộc làm việc để lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp về kinh nghiệm triển khai các dự án; việc huy động nguồn vốn cho các dự án; tiếp tục hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách như liên quan mỏ nguyên vật liệu thông thường cho các dự án…
Thủ tướng cũng mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực, vượt qua giới hạn của chính mình và đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các đối tác nước ngoài, từ đó tiếp tục tham gia triển khai, xây dựng các dự án lớn khác của đất nước trong thời gian tới.
"Chính phủ luôn đồng hành, lắng nghe, thấu hiểu với các doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, trên tinh thần 'cùng làm, cùng hưởng, cùng chiến thắng, cùng phát triển', lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân để thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước, trong đó có sự phát triển của các doanh nghiệp", Thủ tướng phát biểu.
Tổng hội Xây dựng Việt Nam đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án
Phát biểu đóng góp ý kiến tại buổi làm việc, TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam chỉ ra các thống kê về kết quả đầu tư xây dựng đường cao tốc của nước ta trong các giai đoạn vừa qua.
“Từ tuyến cao tốc đầu tiên được đầu tư xây dựng năm 2004 , đến nay (2024, sau 20 năm) cả nước có 39 tuyến với tổng chiều dài 3755 km (bao gồm đã hoàn thành 2021 km, đang triển khai thi công xây dựng 1734 km và chuẩn bị khởi công 1400 km). Như vậy, so với kế hoạch đề ra đến năm 2020 hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng 2000 km, phải đến tháng 4/2024 mới đạt được con số này (chậm gần 4 năm). Dự kiến, đến cuối 2025 sẽ hoàn thành 3000 km đường cao tốc theo chỉ đạo của Thủ tướng khi phát động phong trào thi đua 500 ngày đêm”, TS. Đặng Việt Dũng nêu.
Đề cập đến các khó khăn vướng mắc trong các dự án, công trình trọng điểm, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam chỉ ra 5 vấn đề gồm: Vướng mắc trong công tác GPMB; Vướng mắc liên quan đến nguồn vật liệu xây dựng; Hệ thống định mức, đơn giá các công trình giao thông đường bộ đến nay vẫn còn thiếu hoặc chưa phù hợp dẫn đến thiếu cơ sở áp dụng, phải tạm tính hoặc vận dụng các định mức khác tương tự; Công tác phối hợp còn thiếu chặt chẽ gây phát sinh thêm các thủ tục liên quan, kéo dài thời gian thực hiện dự án.
Vướng mắc cuối cùng được đề cập là do đồng thời triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm, nhu cầu về nhân lực, tiền vốn (kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, công nhân có tay nghề cao), thiết bị thi công, vật tư vật liệu... rất lớn nên việc huy động của nhiều nhà thầu tại một số dự án còn chưa đáp ứng được yêu cầu, ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ thực hiện…
TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam phát biểu đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án trọng điểm với Chính phủ.
Đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn tại các dự án trọng điểm cùng Chính phủ, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đưa ra 6 vấn đề cần thực hiện gồm:
- Khẩn trương thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp lần thứ 14 của Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải ngày 17.9.2024 ( Thông báo số 432 của VPCP).
- Nghiên cứu cải thiện quy trình GPMB, xây dựng cơ chế đặc thù cho công tác GPMB dành cho các công trình trọng điểm hướng đến việc ưu tiên hỗ trợ cho người dân trong việc bố trí tái định cư. Quy trình thủ tục rút ngằn đối với việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật.
- Đẩy mạnh áp dụng công nghệ số trong điều phối hoạt động của các Ban QLDA, phối hợp giữa chính quyền, chủ đầu tư, nhà thầu trong việc giải quyết các vướng mắc tại hiện trường thi công. Thực hiện quyết định số 258/QĐ-TTg của Thủ tướng về áp dụng Mô hình thông tin công trình.
- Áp dụng các công nghệ thi công hiện đại và vật liệu mới thân thiện với môi trường để rút ngắn tiến độ thi công, nâng cao chất lượng công trình. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về nghiên cứu xây dựng cầu cạn, làm hầm chui nhằm giảm bớt áp lực về vật liệu đắp nền, tăng độ bền vững của công trình, giảm thiểu xẻ núi gây nguy cơ sạt lở đất, giảm chi phí duy tu sau khi đưa công trình vào khai thác.
- Khẩn trương rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; hệ thống định mức, đơn giá, đảm bảo tính hiệu quả, đồng bộ, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
- Đánh giá nhu cầu về nhân lực ( kỹ sư, công nhân có tay nghề cao), cấp tốc tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý, chuyên môn kỹ thuật nhằm tạo ra một lực lượng lao động đủ để thực hiện công việc.
Cần sự đột phá hơn
Cũng tại cuộc làm việc, các đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo: Hoàn thiện thể chế về đầu tư, hợp đồng, đấu thầu; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa; các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa; có cơ chế chỉ định thầu đối với một số công trình, gói thầu đặc biệt; tăng hạn mức vay cho các doanh nghiệp xây dựng; tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước liên kết với doanh nghiệp quốc tế để triển khai các dự án nhằm tranh thủ công nghệ, kinh nghiệm, nguồn lực, quản lý để doanh nghiệp trong nước không ngừng lớn mạnh.
Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam Nguyễn Thị Duyên phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: VGP).
Bên cạnh đó một số doanh nghiệp đưa ra các đề xuất liên quan đến vật liệu xây dựng, môi trường; các đề xuất về tiêu chuẩn, định mức chuyên ngành, mô hình BIM để áp dụng cho các công trình ngành giao thông, đặc biệt là công trình đường sắt tốc độ cao…
Phó Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn Khương Tất Thắng phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: VGP).
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả đề đạt các kiến nghị đến Chính phủ. (Ảnh: VGP).
Sau khi đại diện các bộ, ngành và các Phó Thủ tướng giải đáp, làm rõ các vấn đề mà các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia đưa ý kiến, phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Cuộc làm việc cho thấy sự quan tâm của Chính phủ với các doanh nghiệp xây dựng; lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu với các khó khăn của doanh nghiệp; cùng nhau thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển, trưởng thành hơn, tự tin hơn bước vào giai đoạn mới, thực hiện các công trình tầm cỡ, những công trình thế kỷ đánh dấu sự phát triển vươn mình của đất nước.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: VGP).
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: VGP).
Thủ tướng cơ bản đồng tình với nội dung báo cáo của Bộ Xây dựng, các ý kiến phát biểu tâm huyết của các đại biểu, giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến, ban hành Thông báo kết luận hội nghị để thống nhất chỉ đạo, triển khai thực hiện.
Về các kiến nghị, Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ tổng hợp và phân công các Phó Thủ tướng theo lĩnh vực chỉ đạo các bộ ngành liên quan xử lý theo tinh thần "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm".
BBT
Đại hội Chi bộ Tạp chí Người Xây dựng nhiệm kỳ 2025 - 2027 (12:26 - 29/11/2024)
Tổng hội XDVN làm việc với Hội XD Hải Dương và Trường ĐH Thành Đông (11:45 - 27/11/2024)
Hội thảo kỹ thuật xi măng với các giải pháp giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải carbon (20:35 - 26/11/2024)
66 đồ án giành Giải thưởng Loa Thành năm 2024 (14:19 - 23/11/2024)